Tháng 8 năm 2004, lần đầu tiên tôi đến Mỹ học chương trình exchange student lại Dalesport, Lyle high school. Lúc đó còn 4 tháng nữa tôi được 17 tuổi.
Lần đầu tiên tôi đi xa nửa vòng trái đất, trong khi ở nhà mẹ không bao giờ dám cho tôi đi một mình, tôi chưa bao giờ tự đi khỏi nhà vì ba mẹ tôi cho là không an toàn. Vậy mà ba mẹ tôi “dám” cho tôi tự đi đến Mỹ, tôi rất lo lắng và nhớ nhà. Đêm nào tôi cũng khóc nhưng nghĩ lại cái cảnh ở Việt nam tôi quá sợ, từ việc đi lại đến việc học vẹt, học nhồi sọ, học thêm,…. để đối phó thi cử; tôi đã cố gắng vượt qua năm trung học.
Những gì tôi học và tôi thấy nơi đây khác nhiều với những gì tôi học ở quê nhà, thật hạnh phúc cho những ai được sinh ra nơi đây.
Ở VN, ngay từ cấp 1, chỉ biết học và học, không có thì giờ vui chơi, tập luyện thể thao, và phát triển những khả năng quan trọng khác như sự chủ động, tự tin, khả năng suy nghĩ độc lập, tìm tòi, khám phá, v.v.. Học sinh thường chấp nhận tuyệt đối những kiến thức từ thầy cô và từ sách giáo khoa dù đúng hay sai. Học sinh rất ít được tự tìm tòi, suy nghĩ độc lập, chất vấn, thảo luận, phát biểu ý kiến, và khám phá những gì hợp với sở thích của mình. Học nhiều về nội địa và dân tộc (ít về thế giới), nhiều về quá khứ nhất là thành tích chiến tranh (rất ít về tương lai và lòng yêu chuộng hòa bình của người dân ), nặng về lý thuyết khoa học (nhẹ về ứng dụng). Vì thường học nhồi nhét, và chỉ dám nói 1 chiều.
Khi tôi học lớp 10 tại Việt nam, tôi không hiểu môn giáo dục công dân dạy cái gì. Tôi nghi rằng chính người viết ra sách đó chưa chắc đã hiểu họ viết cái gì. Vậy mà người ta xem đó là “giáo dục công dân”!
Mẹ tôi kể ngày xưa, mẹ tôi đi học ở miền Nam nhà trường có môn “Công dân giáo dục” hoặc “Đức dục” từ cấp tiểu học. Chỉ đơn giản dạy học trò cách hành xử và tương tác trong gia đình và ngoài xã hội. Ví dụ như lòng yêu nước, kính trọng cha mẹ, thương yêu bà con và chòm xóm, gặp thầy cô ngoài đường thì khoanh tay chào hỏi, đi đường thấy đám tang thì giở nón ra, … Không “cao siêu” như sách của XHCN.
Học Mỹ khuyến khích tự suy nghĩ, chất vấn, phát biểu ý kiến dù đúng hay sai, thuyết trình, và tham gia vào nhiều hoạt động nhóm để phát huy phong cách con người và khả năng giao tiếp từ lúc bé, phát huy được sự đam mê học và khả năng sáng tạo.
+ Học sinh Mỹ được khuyến khích tham khảo, chất vấn, thảo luận và phát biểu những gì mình thích hay bức xúc mà không bị chính quyền, nhà trường hay thầy cô cấm đoán.
Tôi thắc mắc là các Cán bộ Đảng viên cũng thích cho con học ở các nước tư bản? Họ “nói một đàng, làm một nẻo”?